Thống kê truy cập

Online : 4133
Đã truy cập : 150807401

Gia tăng tình trạng người bệnh mắc chứng trầm cảm

09/11/2018 15:00 Số lượt xem: 299

Trầm cảm là một dạng bệnh lí về tâm thần, đang trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Ở dạng nhẹ, trầm cảm chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh, gây suy sụp tinh thần và bào mòn thể chất. Tuy nhiên, ở mức độ nặng, người bệnh có thể tự tử hoặc gây ra những hệ lụy nặng nề cho gia đình và xã hội. Nếu như trước đây, bệnh thường xuất hiện ở người già thì nay đang ngày càng được trẻ hóa. Riêng tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, từ đầu năm đến nay đã có gần 100 bệnh nhân trầm cảm được điều trị tại các khoa.

Bệnh nhân mắc các bệnh lí mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, ung thư…thường dễ gặp phải triệu chứng trầm cảm

Bệnh nhân Ngô Minh T. (xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình) năm nay 70 tuổi, bà có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường lâu năm. Mặc dù đã xác định sống chung với bệnh suốt đời vì bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng gần đây bệnh tình tiến triển nặng, cuộc sống lại có một số bất ổn khiến bà không khỏi lo lắng, bồn chồn dẫn đến mất ăn, mất ngủ, suy nghĩ tiêu cực. Vì thế bà được gia đình đưa đến viện điều trị trầm cảm.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Xuân Phòng – trưởng khoa III, Bệnh viện sức khỏe Tâm thần, trầm cảm có 3 nguyên nhân chính là nội sinh, ngoại sinh hoặc tâm sinh. Tại bệnh viện thường gặp nhất là những bệnh nhân do nguyên nhân ngoại sinh. Ví dụ những bệnh nhân trầm cảm thực tổn, có các bệnh cơ thể như huyết áp, tiểu đường, bệnh lí tuyến giáp, thậm chí là bệnh ung thư sau khi điều trị hóa chất, xạ trị cũng gây ra các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, buồn chán, bi quan, không thiết sống. Hoặc gần đây cũng xuất hiện nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh do quá trình tâm sinh lí sau sinh có nhiều bất ổn, lại thêm áp lực nuôi con vất cả cũng gây ra trầm cảm.

Bên cạnh sử dụng thuốc thì tư vấn tâm lí, chia sẻ với người bệnh là cách điều trị trầm cảm hiệu quả

Tiêu biểu như trường hợp chị Vương Thị T. (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) mới sinh con chưa lâu. Vì hoàn cảnh nên chị phải theo gia đình chồng đi làm ăn xa, được tin bố đẻ ốm phải nằm viện, không về thăm nom, chăm sóc bố được, lại thêm con nhỏ quấy khóc, áp lực cuộc sống dồn nén dần mà không chia sẻ được với ai nên chị bị trầm cảm sau sinh. Vì vậy, mặc dù con mới được 6 tháng nhưng chị đã phải để con ở nhà và vào viện điều trị bệnh trầm cảm. Chị T. cho biết, không phải vì gia đình chồng hay chồng không quan tâm mà chính bản thân chị tự dằn vặt mình khi không làm tròn nghĩa vụ người con, từ đó luôn chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực. Ở nhà cũng có người ra người vào, nhưng chỉ là xã giao, chồng là người gần gũi, thân thiết nhất thì từ khi sinh con xong, nhiều vấn đề cộng dồn khiến 2 vợ chồng chị không chia sẻ, không nói chuyện được nhiều và dần xa cách. Đến khi con quấy quá, chị không ăn không ngủ được và bị suy nhược cơ thể, dễ nổi nóng, cáu bẳn và tự thu mình lại…

Trầm cảm không chỉ dẫn đến việc thay đổi tâm lí của người mắc phải, mà nó còn dẫn tới vô số hậu quả khôn lường khác như khiến bệnh nhân mất ăn, mất ngủ, yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim, suy giảm hệ miễn dịch… Và đặc biệt khiến bệnh nhân có ý tưởng chán sống, dẫn đến hậu quả lớn nhất là tự tử. Công tác điều trị bệnh trầm cảm ngoài sử dụng thuốc còn phải kết hợp làm cả công tác tư tưởng, tâm lí để người bệnh hiểu và hợp tác với cán bộ y tế.

Bác sĩ Phòng cho biết thêm, nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng không nói, không nghe, ngại tiếp xúc. Quá trình điều trị, trước đây sử dụng thuốc thế hệ cũ, có khi bệnh chưa đỡ đã gặp các tác dụng phụ như khô miệng, táo bón nên bệnh nhân càng sợ, không hợp tác. Tuy nhiên, gần đây, thuốc mới tốt hơn, tác dụng phụ ít đi đã giải quyết được khá hiệu quả các vấn đề của người bệnh. Bệnh nhân vào viện chỉ khoảng 10 ngày là có thể tự sinh hoạt, thể dục thể thao, kết hợp phục hồi chức năng và tư vấn tâm lí nên tình hình được cải thiện rõ rệt.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, để chủ động phòng bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống, mọi người nên thường xuyên vận động, tập thể dục, thể thao, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tập cách tự điều chỉnh cảm xúc và quản lí căng thẳng, nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân khi có bất ổn về mặt tâm lí. Ngoài ra, khi người thân có các triệu chứng như thường xuyên mất ngủ, ngại giao tiếp với xã hội và tự thu hẹp mình, chán ăn, luôn bi quan, tự ti về bản thân dẫn đến căng thẳng thần kinh, xúc động…thì gia đình nên đưa đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc mà bệnh mang lại.

Minh Long