Thống kê truy cập

Online : 3093
Đã truy cập : 151101886

Giảm tải bệnh viện tuyến trên: Liệu có đạt mục tiêu?

13/03/2018 15:44 Số lượt xem: 208

Dẫu đã có hiệu lực 5 năm, Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn (2013-2020) nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên vẫn chỉ là mơ ước.

 

Báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua nhiều bệnh viện công vẫn đang ở trong tình trạng quá tải. Một phòng có 4 giường, nhưng cả chục bệnh nhân nằm điều trị là điều thường thấy.   

Chờ khám chữa bệnh dịch vụ ở Bệnh viện Bạch Mai

Nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường, lượng người khám chữa bệnh luôn quá tải… là những điệp khúc quen thuộc đang diễn ra tại các bệnh viện tuyến trung ương. Để giảm tải cho tuyến trên, cần đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực bệnh viện vệ tinh.
    
Ảo và thật

Ghi nhận thực tế cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc giảm tải bệnh viện tuyến trên vẫn là yêu cầu khó. Đơn cử như chuyện quá tải khám chữa bệnh dịch vụ vào các ngày cuối tuần ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn thường xuyên diễn ra. Từ sáng sớm, khu Khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện này đã đông kín người chờ. Mặc dù bệnh viện đã thực hiện nhiều cách để rút ngắn thời gian khám bệnh nhưng do là  tuyến Trung ương được bệnh nhân tin tưởng nên mỗi ngày hàng nghìn bệnh nhân chấp nhận chờ đợi, chen chúc. Và các bác sĩ phải căng sức để phục vụ bệnh nhân.

Dẫu đã có hiệu lực 5 năm trời, Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn (2013-2020) – nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên vẫn chỉ là mơ ước. Từ thời điểm Quyết định số: 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2013, của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020) được ban hành tình trạng vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh vẫn xảy ra khá phổ biến.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua nhiều bệnh viện công vẫn đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90-110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường. Một phòng có 4 giường, nhưng cả chục bệnh nhân nằm điều trị là điều thường thấy tại hầu hết các bệnh viện của Nhà nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện công. Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng người bệnh cứ ốm là vượt tuyến để khám, không cần biết bệnh nặng hay nhẹ diễn ra rất phổ biến. Nhiều ca bệnh nhân mắc bệnh thông thường mà các cơ sở tuyến dưới thừa sức giải quyết nhưng vẫn lên tuyến trên để khám với lý do “cho yên tâm”.

Bên cạnh đó, năng lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng. Nhiều báo cáo cho thấy, nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế giỏi chuyên môn..., trong khi điều kiện kinh tế người dân các tỉnh ngày càng khá, họ có xu hướng lên tuyến trên điều trị... Sự quá tải bệnh nhân sẽ làm chất lượng khám chữa, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Ngoài ra, môi trường bệnh viện cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong ngành y như vòi vĩnh, hạch sách người bệnh và gây ra nguy cơ mất an ninh trong bệnh viện. Trong 10 năm qua, nhiều bệnh viện công  vẫn đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng.

Lý giải về tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, quá tải cũng có hai loại “ảo” và “thật”. Trong đó, quá tải “ảo” rõ nhất đó là tình trạng người dân bệnh nhẹ cũng “thích” lên tuyến Trung ương khám và quá tải “thật” là những chuyên khoa ung bướu, tim mạch…

Nỗ lực

Theo chia sẻ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, nếu tuyến trung ương làm tốt, bệnh nhân tin cậy, đến đông thì lại khó giảm tải. Vì vậy, các tuyến phải phấn đấu đồng đều, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bệnh nhân không được đến bệnh viện này hay bệnh viện khác chữa bệnh.

Song làm thế nào để nâng cao chất lượng luôn là câu hỏi làm đau đầu lãnh đạo các bệnh viện. Mới đây, trong năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới. Trong đó, có nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện.

Nghị quyết nêu rõ cần phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân - dân y. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước. Ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế; Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, kể từ khi triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2015-2017, đến nay, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội.

Tình trạng quá tải trong điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. 37/39 bệnh viện tuyến trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm nhiều. Năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến trung ương là 58%, tuyến tỉnh là 47% thì sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ hai người trở lên trên một giường bệnh chỉ chiếm 16,7% ở tuyến trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.

Hiện nay, 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh. bệnh viện vệ tinh cũng hoạt động rất hiệu quả với 17 bệnh viện hạt nhân và 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến nay, bệnh viện tuyến trên đã chuyển giao 791 kỹ thuật cho 7.051 cán bộ. Vì thế, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm từ 73-99% theo các chuyên khoa. Cụ thể, giảm 98,5% chuyển tuyến tim mạch; 97% ung thư, 98,5% ngoại khoa; 99% sản khoa; 73% nhi khoa so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.

Với những nỗ lực phát triển cả y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, giảm quá tải bệnh viện, năm 2017 được đánh giá là năm có được sự hài lòng khá cao của người bệnh với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, đạt chung 89,8% (88% tại tuyến trung ương; 94% tại tuyến tỉnh; 85,7% tại tuyến huyện).

Như vậy, trước những khó khăn, thách thức trong công tác khám, chữa bệnh và thực trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trung ương, ngành y tế và các cơ quan chức năng đang nỗ lực và đã có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; đem đến dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho mọi người dân.

Trọng Tiến (st)