Thống kê truy cập

Online : 5417
Đã truy cập : 150704383

Gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế dưới 10 tỷ đồng có phải áp dụng hợp đồng trọn gói không?

06/07/2024 07:59 Số lượt xem: 55

Luật Đấu thầu năm 2023 không còn quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng như Luật Đấu thầu năm 2013...

Luật đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Căn cứ quy định của Luật đấu thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Bộ Y tế cũng đã ban hành liên tiếp 4 Thông tư về các nội dung liên quan đến công tác này. Như Sức khoẻ và Đời sống đã đưa tin trước đó, để phổ biến đến các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện các quy định trong những văn bản này, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phổ biến cho các đơn vị liên quan khu vực phía Bắc.

Có được quy định cụ thể xuất xứ khi lập hồ sơ mời thầu với gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không?

Bệnh viện A đang thực hiện mua sắm đối với gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng, vậy Bệnh viện A có phải lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hay không?

Gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế dưới 10 tỷ đồng có phải áp dụng hợp đồng trọn gói không?- Ảnh 1.

Khi lập hồ sơ mời thầu với gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bệnh viện có thể quy định về xuất xứ của hàng hóa theo nhóm nước, vùng lãnh thổ...

Theo các chuyên gia, đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023. Theo đó thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các bệnh viện cần lưu ý không được lạm dụng quy định này để chia nhỏ gói thầu nhằm áp dụng quy trình mua sắm cho gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng.

Khi lập hồ sơ mời thầu với gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có được quy định cụ thể xuất xứ hay không?

Về nội dung này, các chuyên gia cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2023, hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Theo đó, khi lập hồ sơ mời thầu, bệnh viện có thể quy định về xuất xứ của hàng hóa theo nhóm nước, vùng lãnh thổ (ví dụ: xuất xứ G7; G20; Châu Âu; nhóm nước: Mỹ, Nhật, Đức, Pháp...).

Gói thầu mua sắm mua thuốc, vật tư y tế có giá không quá 10 tỷ đồng có bắt buộc phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói hay không?

Về quan tâm của nhiều bệnh viện liên quan đến nội dung: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc gói thầu cần chú trọng tới cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và giá thì trước đây được áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá (xếp hạng nhà thầu theo điểm tổng hợp = điểm kỹ thuật + điểm giá). Vậy theo Luật Đấu thầu năm 2023 có được áp dụng phương pháp đánh giá này đối với gói thầu mua sắm hàng hóa nêu trên hay không?

Các chuyên gia cho hay, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá chỉ được áp dụng cho gói thầu có phương thức lựa chọn nhà thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu năm 2023, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ chỉ được áp dụng đối với đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ. 

Hiện nay, pháp luật về khoa học công nghệ chưa có quy định cụ thể về danh mục/tiêu chuẩn xác định gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa (trong đó có thuốc, thiết bị y tế) chỉ được áp dụng phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ mà không được áp dụng phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, không được sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Do đó, gói thầu mua sắm hàng hóa có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc gói thầu cần chú trọng tới cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và giá (bao gồm cả gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế) không được sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trường hợp gói thầu cần xem xét trên cơ sở chú trọng tới các yếu tố kỹ thuật và giá, chủ đầu tư có thể quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 80% tổng số điểm tối đa về kỹ thuật (thay cho mức 70% như các gói thầu thông thường).

Gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng có bắt buộc phải áp dụng loại hợp đồng trọn gói như Luật Đấu thầu năm 2023 hay không?

Đối với câu hỏi này, chuyên gia cho hay: Luật Đấu thầu năm 2023 không còn quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng như Luật Đấu thầu năm 2013.

Gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế dưới 10 tỷ đồng có phải áp dụng hợp đồng trọn gói không?- Ảnh 2.

Luật Đấu thầu năm 2023 không còn quy định bắt buộc áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (bao gồm cả mua thuốc, vật tư y tế) có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng như Luật Đấu thầu năm 2013...

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu năm 2023, hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với:

  • Gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được;
  • Gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay. 

"Cấp trên" thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Uỷ ban nhân dân hay Sở Y tế?

Trước câu hỏi theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP thì "Cấp trên của đơn vị mua sắm tập trung thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền". Như vậy quy định "Cấp trên" được hiểu là Uỷ ban nhân dân tỉnh hay Sở Y tế? Cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu?

Các chuyên gia cho biết: Người có thẩm quyền quyết định mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế xác định theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 126 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Theo đó, đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với gói thầu ngoài gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hoặc một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Nguồn: SKĐS