Thống kê truy cập

Online : 3346
Đã truy cập : 150795610

Hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS cho y tế tuyến dưới

13/10/2020 14:50 Số lượt xem: 255
Ở những giai đoạn trước, hoạt động HIV/AIDS được các dự án phi chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các nội dung chuyên môn như: Tư vấn, xét nghiệm, truyền thông can thiệp, điều trị, nâng cao năng lực… thì từ năm 2016 đến nay, các dự án trên toàn quốc dần cắt giảm, Bắc Ninh cũng không ngoại lệ. Trong khi đó yêu cầu về nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn phải đáp ứng, việc hỗ trợ chuyên môn và nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở rất cần thiết. Do vậy, để lấp lỗ hổng này, tháng 7 vừa qua Sở Y tế đã thành lập Nhóm hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm các hoạt động, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được triển khai đúng theo các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.

Bác sĩ CKII Đinh Mai Vân, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Điều phối viên của Nhóm cho biết: Trước khi thành lập Nhóm hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động hỗ trợ rời rạc, chưa theo tổ, nhóm, thiếu toàn diện, tính chuyên nghiệp không cao. Mặc dù tuyến tỉnh vẫn hỗ trợ tuyến cơ sở trong công tác giám sát, tư vấn xét nghiệm, điều trị, truyền thông can thiệp theo định kỳ với các nội dung về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng nhiễm Lao/HIV, điều trị thay thế các chất nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone… song hoạt động này chủ yếu vẫn do cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện chứ chưa có sự phối hợp của các đơn vị khác trong ngành.

Nỗ lực cao độ để chấm dứt dịch bệnh AIDS

Ảnh minh họa

Nhóm hỗ trợ kỹ thuật gồm 3 tổ chuyên môn từ can thiệp dự phòng, tư vấn - xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, đến chăm sóc và điều trị HIV. Hoạt động của nhóm bao gồm: Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật định kỳ, thường xuyên, đột xuất đối với các đơn vị tuyến dưới, chủ động hoặc do tuyến dưới yêu cầu; phát hiện sớm các vấn đề, các sai sót về chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới để có biện pháp hỗ trợ khắc phục kịp thời; tham gia giảng dạy các khóa tập huấn, đào tạo lại, trao đổi kinh nghiệm… nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên môn kỹ thuật tuyến dưới; chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ chuyên môn mới, các hướng dẫn mới về chuyên môn kỹ thuật có liên quan…

Từ năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống AIDS. Đây được coi là tiền đề hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mục tiêu 90-90-90 bao gồm: 90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp. Đến nay, đã ở năm thứ 7 nỗ lực thực hiện mục tiêu này, các chỉ số đạt được còn rất khiêm tốn. Tại Bắc Ninh, ước tính có khoảng 1.600 người nhiễm HIV/AIDS, trong khi cơ quan chuyên môn hiện đang quản lý chưa đến 1.000 bệnh nhân, do vậy mới đạt tỷ lệ 61% số người nhiễm HIV được phát hiện. Trong khi đó, việc đạt được mục tiêu 90 đầu tiên này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả của 2 mục tiêu 90 còn lại. Bác sĩ Vân phân tích: Để phát hiện được người nhiễm HIV cần làm tốt công tác tư vấn, truyền thông, xét nghiệm phát hiện. Nghĩa là cán bộ phòng, chống HIV/AIDS tuyến cơ sở phải có kỹ năng truyền thông và tư vấn tốt. Chúng ta cũng cần phải mở rộng các loại hình xét nghiệm như: Xét nghiệm tại cơ sở y tế, xét nghiệm tại cộng đồng, tự làm xét nghiệm… để ngày càng có nhiều người được xét nghiệm HIV.

Theo báo cáo của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, trong tháng 8-2020, toàn tỉnh phát hiện 13 trường hợp HIV dương tính mới, trong đó: Lương Tài 3, Quế Võ 3, Thuận Thành 3, Từ Sơn 2, huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh mỗi địa phương 1. Lũy tích người nhiễm HIV đến hết tháng 8-2020 là 2.057 trường hợp, lũy tích các trường hợp chuyển AIDS là 1.248  trường hợp và lũy tích số tử vong là 1.078 người. Số người ghi nhận mắc mới trên thực tế còn thấp so với ước tính cho thấy, trở ngại lớn nhất làm chậm lại quá trình đạt tới mục tiêu 90-90-90 vẫn là người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao nhiễm HIV tự kỳ thị và bị kỳ thị. Trong khi những người có nguy cơ cao nhiễm HIV thường xuyên di biến động do phần lớn không có nghề nghiệp ổn định có thể là nguồn lây cho cộng đồng thì các nhiệm vụ của các tổ trong Nhóm hỗ trợ kỹ thuật được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để lực lượng tham gia phòng, chống HIV/AIDS tuyến cơ sở nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Phương Nhiên