Thống kê truy cập

Online : 2804
Đã truy cập : 150790756

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024

27/01/2024 08:40 Số lượt xem: 281

Ngày 24/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024. Hội nghị nhằm chủ động triển khai các biện pháp ngay từ đầu năm trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm theo quan điểm chỉ đạo phòng bệnh từ sớm, từ xa. Tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh có lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cán bộ liên quan.

Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhiều quốc gia trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong tháng 12/2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi, gần nhất là biến thể JN.1 (12/2023) đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác…

Trong nước, các bệnh đường hô hấp, cúm mùa cũng phát sinh nhiều trong thời điểm cuối năm. Dịp Tết sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh bệnh đường hô hấp đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em…

Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, nóng ấm, mưa nhiều, thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn. Trong khi đó, thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống; miễn dịch giảm theo thời gian.

Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác dự phòng, giám sát và kiểm soát dịch, tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện phát hiện sớm ca bệnh, tác nhân gây bệnh ngay từ cửa khẩu, tại cơ sở y tế và trong cộng đồng để xử lý kịp thời, triệt để và triển khai công tác tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Tổ chức tốt các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị. Chủ động cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe và thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Quý cho biết, Sở đã ban hành hàng loạt văn bản liên quan đến đảm bảo công tác y tế, an toàn thực phẩm; đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Trong đó, bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị trong và ngoài ngành đảm bảo công tác chuyên môn, khám chữa bệnh cần trọng tâm triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các dịch bệnh thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm.

Đăng Thăng