Thống kê truy cập

Online : 4944
Đã truy cập : 151071267

Ngăn chặn bệnh tay chân miệng bùng phát

07/10/2018 15:43 Số lượt xem: 99

Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với các ban, ngành triển khai quyết liệt những giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Gia tăng bệnh nhi tay chân miệng ở Quảng Ngãi và phía Nam

Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, số ca mắc tay chân miệng (TCM) ở Quảng Ngãi gần 900 ca. Số lượng bệnh nhi điều trị nội trú ngày càng tăng, diễn biến bệnh phức tạp, nhiều ca nặng.

Tại Khoa Nhi - Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị gần 100 ca bệnh TCM ở trẻ em. Trong số này, có 30% ca bệnh có dấu hiệu nặng cần theo dõi, 15% ca bệnh chuyển độ nặng 2B1, 2B2.

Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đình Tuyến cho biết, các ca bệnh nặng có nguy cơ biến chứng viêm não, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, phù phổi nếu không can thiệp kịp thời. Trường hợp ca bệnh nặng từ 2B trở lên đều có chuyển biến nhanh, nguy hiểm đến tính mạng.

“Chúng tôi theo dõi sát những ca bệnh nặng để phát hiện đúng thời điểm vàng và sớm can thiệp. Hiện, ca bệnh nặng chúng tôi truyền thuốc, điều trị tích cực để giảm nguy cơ biến chứng cho trẻ”, BS. Nguyễn Đình Tuyến thông tin.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những năm trước, các týp bệnh TCM bình thường xảy ra trong cộng đồng và có hiện tượng phát sinh miễn dịch với týp đó. Hiện nay có đột biến gene của virut đó nên chưa có sự miễn dịch trong cộng đồng nên số ca mắc tăng hơn so năm ngoái. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân cộng hưởng khiến ca bệnh tăng cao là đang chu kỳ dịch trong năm, thời điểm giao mùa trùng thời gian trẻ tựu trường dễ bùng phát dịch bệnh TCM.

ngan-chan-benh-tay-chan-mieng-bung-phat-1

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng.

Hiện, ngành y tế tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng tăng cường công tác dự phòng, hạn chế bệnh bùng phát. Các giải pháp chính là hướng dẫn người dân, các trường học vệ sinh cá nhân cho con em, đồ chơi của trẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi phát hiện chẩn đoán sớm các biến chứng.

Số ca mắc bệnh TCM tại TP.HCM tăng đột biến. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cho biết, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh, gần 60% ca bệnh TCM đang điều trị tại Sài Gòn được chuyển đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và miền Trung, Tây Nguyên đang gia tăng áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2.

Hà Nội: 10 ca mắc tay chân miệng do nhiễm chủng EV71

PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh TCM. Đặc biệt, trong số đó đã có hơn 10 trường hợp nhiễm chủng vi rút EV71.

Theo PGS. Điển, nhóm mắc virut EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Đây là chủng virut có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virut có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn. “Tuy nhiên, những trường hợp vừa được cấp cứu tại viện cũng không mắc phải những biến chứng quá nặng nề so với những năm trước”, BS. Điển nói.

Theo các chuyên gia, có hai tác nhân chính gây ra bệnh TCM đó là chủng virut CVA16 và EV71, trong đó, tỷ lệ mắc TCM gây ra bởi EV71 thường thấp hơn nhưng dễ gây ra biến chứng nặng hơn.

3 dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là tình trạng các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn - đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Đó là 3 triệu chứng rất sớm, cha mẹ cần chú ý theo dõi. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
Mai Phương (tổng hợp)
Nguồn: Theo SKĐS