Thống kê truy cập

Online : 3713
Đã truy cập : 151114261

Nhìn nhận đúng phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBe Five

13/01/2019 08:49 Số lượt xem: 98

Bắt đầu từ tháng 12-2018, vắc-xin ComBe Five chính thức được triển khai trên quy mô toàn quốc. Sau tiêm đã có một số ca phản ứng, gây hoang mang cho các bậc cha mẹ về độ an toàn của loại vắc-xin này. Tuy nhiên, PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, các ca phản ứng sau tiêm đó không có gì đột biến và đều được theo dõi, xử trí kịp thời.

Nhìn nhận đúng phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBe Five

Tiêm vắc-xin ComBe Five cho trẻ em tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến thời điểm này có 28 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắc-xin ComBe Five, với tổng số hơn 131 nghìn trẻ được tiêm. Đáng chú ý, do ComBe Five là vắc-xin mới (thay thế vắc-xin Quinvaxem) cho nên đội ngũ cán bộ tiêm chủng tư vấn rất kỹ, đầy đủ và các bà mẹ cũng có ý thức hơn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Do vậy, nhiều trẻ em có những dấu hiệu nhỏ cũng đã được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám. Ngoài những phản ứng thông thường của vắc-xin là sốt, quấy khóc, đau tại chỗ tiêm đã được khuyến cáo, có ghi nhận số ít trẻ sốt cao hơn 390C và quấy khóc kéo dài. Trong báo cáo của Sở Y tế Bình Định, có những trẻ chỉ sốt 37,50C, 38,20C… đã được đưa đến bệnh viện. Với những trường hợp như vậy chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, hạ sốt và theo dõi là có thể trở lại bình thường.

Việc ghi nhận và báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm (cả thông thường lẫn những phản ứng ở mức độ trung bình) đều không có gì gọi là đột biến. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc-xin ComBe Five có thành phần tương tự như vắc-xin Quinvaxem, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào: Sốt từ 380C đến 390C chiếm tới 44,5%; phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%; đau 25,6%; các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trong một triệu liều vắc-xin sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế. Trong khi đó, ở giai đoạn triển khai quy mô nhỏ cũng như bắt đầu mở rộng thì tỷ lệ phản ứng sau tiêm là khoảng 5,5% là hoàn toàn bình thường. Nhưng không phải cứ tiêm với một số lượng trẻ nhất định thì có một lượng tương ứng (theo tỷ lệ nêu trên) bị các phản ứng. Có thể chỉ tiêm số lượng rất ít, từ vài chục đến vài trăm trường hợp đã gặp ca phản vệ nếu cơ địa của trẻ quá mẫn cảm với thành phần của vắc-xin.

Chính vì vậy, PGS, TS Dương Thị Hồng cho rằng cần khuyến cáo các bà mẹ: Sau tiêm cho trẻ mà có bất kỳ một triệu chứng nào bất thường cũng nên đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám lại một lần nữa cũng như đánh giá triệu chứng đó có đáng lo ngại hay không. Các bác sĩ sẽ giúp người mẹ yên tâm hơn và tránh được rủi ro đáng tiếc. Việc theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm là quan trọng để ngăn ngừa và xử trí các sốc phản vệ và cần tiếp tục theo dõi trẻ từ một đến hai ngày sau tiêm để phát hiện những dị ứng muộn.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp nhận ba lô với 840 nghìn liều vắc-xin ComBe Five. Cả ba lô vắc-xin này đều được gửi đến Viện kiểm định quốc gia về sinh phẩm y tế để kiểm tra chất lượng theo đúng quy trình. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã nhận đủ số lượng vắc-xin từ ba lô này để triển khai tiêm cho trẻ theo lịch tiêm chủng thường xuyên. Do ngày tiêm chủng của các tỉnh, thành phố khác nhau, cho nên có địa phương tổ chức tiêm cho trẻ được trong tháng 12-2018 (kịp lịch) hoặc tháng 1-2019 (quá lịch).

PGS, TS Dương Thị Hồng khẳng định: Không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối. Nhưng vắc-xin hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin thì sẽ có thể mắc những bệnh truyền nhiễm, để lại những hậu quả rất nặng nề. Với những trẻ đã có phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước thì các bà mẹ cần chia sẻ với cán bộ y tế để cháu bé được tư vấn sử dụng loại vắc-xin khác có thành phần tương tự; các trường hợp khác (cháu bé đang ho, sốt…) thì hoãn tiêm. Cho nên các bà mẹ đưa con đi tiêm vắc-xin cần mô tả đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ với bác sĩ, cán bộ tiêm chủng để được tư vấn đúng.

 

Ngày 9-1, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu, kiểm tra việc triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five tại hai xã Phú Nghĩa, Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) và làm việc với TP Hà Nội về công tác tiêm vắc-xin trên địa bàn. Tại các buổi kiểm tra và làm việc, Bộ trưởng đề nghị TP Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêm chủng để cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đúng độ tuổi, đúng thời hạn, phòng, chống dịch bệnh cho trẻ; theo dõi trẻ sau tiêm để phát hiện xử lý kịp thời các dấu hiệu bất thường… Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu ngành y tế Hà Nội tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế về quy trình tiêm chủng; quy trình chống sốc để kịp thời xử trí nếu có tình huống xảy ra; thực hiện tốt việc phân luồng, không để các trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng nằm chung với các trẻ đang bị các bệnh truyền nhiễm khác...

 
Nguồn: Báo nhân dân