Thống kê truy cập

Online : 3618
Đã truy cập : 150779050

Tăng cường phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người

08/12/2023 14:19 Số lượt xem: 157

Ngày 06/12, Sở Y tế nhận được báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế TP. Bắc Ninh về ổ dịch liên cầu lợn tại phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh. Điều tra dịch tễ cho thấy đây là trường hợp mắc tản phát, chưa rõ nguồn lây. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với thịt gia xúc, gia cầm trong quá trình chế biến thức ăn hàng ngày. Để chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh liên cầu lợn lây nhiễm sang người, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh triển khai điều tra và triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch nơi có ca mắc liên cầu lợn tại phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh và tham mưu các biện pháp phòng bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người trên địa bàn tỉnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Các đơn vị tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người. Cụ thể, không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc;

Các cơ quan y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y cùng cấp trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách.

Với các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập, yêu cầu các đơn vị đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa người bệnh nặng lên và tử vong; Thông báo kịp thời về Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch. Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Được biết, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis (S.suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh lý nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị cứu chữa kịp thời. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp chăn nuôi, hay giết mổ, chế biến thịt lợn bệnh.

Lê Hồng