Thống kê truy cập

Online : 3630
Đã truy cập : 150750474

Tăng cường “số hóa” trong ngành y tế Bắc Ninh

05/10/2022 15:27 Số lượt xem: 575

Y tế là một trong những ngành trọng điểm được Chính phủ ưu tiên chuyển đổi số. Những năm qua, ngành Y tế Bắc Ninh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh “số hoá”, từng bước xây dựng nền tảng để kiến thiết hệ thống y tế thông minh từ công tác quản trị, khám, chữa bệnh cho đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Tại Bắc Ninh, hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai từ năm 2018, đến nay ghi nhận khoảng 1,3 triệu hồ sơ nhân khẩu với hơn 332 nghìn gia đình toàn tỉnh có một số thông tin hành chính, trong đó gần 1,2 triệu hồ sơ nhân khẩu được khám tạo lập hồ sơ sức khỏe ban đầu, đạt hơn 92%. Khoảng 147 nghìn hồ sơ nhân khẩu có thông tin số thẻ BHXH chính xác khớp với dữ liệu của BHXH Việt Nam.

Hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe quản lý chính xác gần 46 nghìn người dân ghi nhận mắc bệnh Tăng huyết áp, gần 19,5 nghìn người dân mắc bệnh đái tháo đường và gần 4 nghìn hồ sơ người dân mắc bệnh tâm thần phân liệt, 134 trường hợp mắc bệnh phong, tất cả được xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế địa phương.
Toàn bộ lịch sử tiêm chủng của trẻ em toàn tỉnh được liên thông sang hệ thống Hồ sơ sức khỏe từ phần mềm Tiêm chủng Quốc gia. Hệ thống phần mềm cho các cơ sở y tế tuyến xã phục vụ công tác khám chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm xã hội hàng năm với trung bình hơn 300 nghìn lượt khám chữa bệnh BHYT tại các huyện, thành phố. Lịch sử khám chữa bệnh của người dân khi đến các trạm y tế bước đầu được liên thông sang hệ thống hồ sơ sức khỏe. Hệ thống báo cáo thống kê tình trạng dinh dưỡng được hoàn thiện và phân tích ngay sau các dữ liệu được cập nhật trên hệ thống.

Chức năng tra cứu BHYT và tra cứu tổng hợp trong đó có nhiều tiêu chí giúp cán bộ quản lý có thể theo dõi và quản lý danh sách người dân có các thông tin như: Thẻ BHYT, nhóm máu, tình trạng bệnh tật, bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm theo từng địa bàn hoặc từng độ tuổi, giới tính theo nhu cầu của người quản lý.Để triển khai hiệu quả việc cập nhật thông tin trên hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, ngành Y tế đào tạo cán bộ tập trung theo từng huyện, thành phố với hình thức “cầm tay chỉ việc”, kết hợp với việc đào tạo trực tiếp tại các buổi tổ chức khám lập hồ sơ. Danh sách ban đầu của người dân được tạo lập qua nhiều nguồn thông tin: Từ BHXH Việt Nam; nguồn dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; nguồn dữ liệu tiêm chủng mở rộng (chuyển toàn bộ danh sách các trẻ em dưới 6 tuổi từ hệ thống tiêm chủng mở rộng sang hệ thống hồ sơ sức khoẻ); nguồn thu thập và tạo mới của đơn vị…

Đối với công tác khám tạo lập hồ sơ ban đầu của người dân, ngành Y tế thu thập thông tin tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh tật…. Việc tổ chức khám lập hồ sơ sức khỏe ban đầu và chuẩn hóa thông tin hành chính theo phương pháp tập trung cho các đối tượng trên 6 tuổi và cuốn chiếu theo từng xã/phường; tổ chức các đợt khám lập hồ sơ vét các đối tượng sót còn lại. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, tổ chức nhập các thông tin như: Nhóm máu, cân nặng, chiều cao. Các đối tượng mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh, phong… cũng được tạo lập danh sách gốc để cập nhật vào hệ thống.

Việc triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục triển khai theo lộ trình của Bộ Y tế đề ra. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đầy đủ được thực hiện từ ngày 10-10-2021; từ ngày 14-10-2021 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở mức thay thế bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay thế cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy. Đây là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế triển khai bệnh án điện tử, là bệnh viện thứ 18 trong cả nước áp dụng bệnh án điện tử trong quản lý khám, chữa bệnh.

PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) là một trong những thành phần quan trọng trong triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện.

Bệnh viện Sản - Nhi đã “số hóa” hầu hết các tài liệu y khoa trong hồ sơ bệnh án, chuyển từ bản giấy sang bản điện tử, sử dụng chữ ký số trong bệnh án điện tử. Mọi hoạt động tại bệnh viện từ đăng ký khám, khám bệnh, điều trị, kê đơn thuốc, phát thuốc, bán thuốc, đến thanh toán ra viện đều được quản lý bằng hệ thống phần mềm bệnh viện và bệnh án điện tử. Kết nối hai chiều các máy xét nghiệm, hệ thống phần mềm tự động quét mã vạch trên ống nghiệm, trả kết quả trên phần mềm, bác sĩ chủ động xem kết quả ngay trên phần mềm. Phần mềm kết nối tự động với các thiết bị sinh ảnh, thu nhận, xử lý và truyền tải hình ảnh tới màn hình của bác sỹ chẩn đoán hình ảnh giúp bác sỹ đọc, trả kết quả nhanh chóng, được gửi lên hệ thống phần mềm bệnh viện; các bác sỹ trực tiếp xem kết quả và hình ảnh rồi đưa ra kết luận chính xác hơn trong quá trình khám, điều trị. Hệ thống bệnh án điện tử được triển khai đồng bộ đã góp phần quan trọng rút ngắn thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh, giúp giảm thiểu giấy tờ, giảm chi phí, tăng khả năng lưu trữ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Việc triển khai bệnh án điện tử cũng đang được thực hiện thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong. Các đơn vị còn lại của ngành cũng xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình của Bộ Y tế cho thấy nỗ lực của ngành Y tế Bắc Ninh, dù trong gần 3 năm qua vẫn phải triển khai song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành của ngành…