Thống kê truy cập

Online : 4309
Đã truy cập : 150807361

Tháng 5 tiếp tục ghi nhận các ca cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết được khống chế, không bùng phát thành ổ dịch lớn

30/05/2023 13:41 Số lượt xem: 277

Trong tháng 5/2023, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Trong tháng, tiếp tục ghi nhận các ca mắc/nghi mắc cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban nghi Sởi/Rubella. Không nghi nhận trường hợp Mác-bớc, Cúm A(H5N1), A(H7N9), Đậu mùa khỉ, Viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em…

Riêng với dịch COVID-19, tình hình dịch tại tỉnh đang được kiểm soát. Trong tháng 05/2023, toàn tỉnh ghi nhận 944 ca, tử vong 01 ca (trong đó trẻ em là 94 ca; 221 ca mắc tại các khu/cụm công nghiệp), các ca mắc ghi nhận chủ yếu mức độ nhẹ. Số mắc trong tháng 5/2023 giảm 62% so với tháng 4/2023 (2.468 ca). Lũy tích từ đầu năm 2023 ghi nhận tổng số 3.541 ca mắc, tử vong 01 ca. Hiện có 13 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và 25 F0 quản lý tại nhà/nơi lưu trú. Trong tháng 5/2023 ghi nhận 01 ca tử vong tại xã Trung Kênh-huyện Lương Tài, bệnh nhân nam 74 tuổi, tiêm 02 mũi vắc xin COVID-19, có bệnh lý nền: Gout 5 năm, suy thận mạn (chẩn đoán tử vong: Suy hô hấp - Suy tuần hoàn - Viêm phổi nặng - COVID- 19 dương tính - Gout cấp - Suy thận mạn - dị ứng). Hiện đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 218/QĐ-BYT, toàn tỉnh, 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 126/126 xã, phường, thị trấn đều ở cấp độ I.

Các bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục ghi nhận các ca mắc rải rác như cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban nghi sởi/rubella. Không nghi nhận trường hợp Mác-bớc, Cúm A(H5N1), A(H7N9), Đậu mùa khỉ, Viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em…

Trong tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận 02 trường hợp mắc SXH Dengue, 01 trường hợp sinh viên và 01 nhân viên văn phòng đang học tập/làm việc tại Hà Nội, đã có kết quả xét nghiệm dương tính bằng test nhanh. Hiện không còn ca mắc điều trị tại cơ sở y tế. Không ghi nhận ca tử vong do SXHD. Toàn tỉnh không nghi nhận trường hợp Cúm A(H5N1), A(H7N9). Số mắc/nghi mắc cúm mùa trong tháng là 143 ca (giảm 29% so với tháng 4/2023), không ghi nhận ca mắc cúm nặng. Hiện không còn ca mắc điều trị tại cơ sở y tế. Trong tháng cũng ghi nhận 31 ca mắc/nghi mắc tay chân miệng (tăng 11 ca so với tháng 4/2023), hiện còn 03 ca nghi tay chân miệng đang điều trị tại cơ sở y tế. Đáng chú ý, đã ghi nhận 01 ổ dịch tay chân miệng tại thôn Phượng Trì-TT Thứa-Lương Tài. Tuy nhiên, ổ dịch đã kết thúc ngày 29/05/2023, quy mô 2 ca bệnh. Không có ca tử vong do tay chân miệng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đều từ các tỉnh khác về điều trị, không ghi nhận ca bệnh nội tỉnh

Tính đến hết ngày 31/5/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhận từ nguồn phân bổ vắc xin của Bộ Y tế với tổng số 4.112.780 liều vắc xin phòng COVID-19 (bao gồm 04 loại vắc xin Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Verocell của Sinopharm), đã sử dụng 4.111.215 liều. Số người từ 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản là 1.152.435 người, đạt 98,9%; mũi 3 là 853.239 người đạt tỷ lệ 80,5%; mũi 4 là 359.453 người đạt tỷ lệ 87,2%. Số người từ 12-17 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản là 115.738 người, đạt 98,4%; mũi 3 là 99.822 người đạt tỷ lệ 87,7%. Số trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin trên toàn tỉnh là 173.456 người, đạt tỷ lệ 99,9%, số trẻ tiêm 2 mũi là 163.089 người, đạt tỷ lệ 95,4%. Tỷ lệ công nhân trong khu công nghiệp được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt 98,8%, tỷ lệ tiêm đủ mũi đạt 98,2%, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 82,9%, tỷ lệ tiêm mũi 4 đạt 47,2%.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi

Hiện 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện ký số tập trung. Tính đến hết ngày 31/5/2023, số mũi tiêm đã được các đơn vị ký số xác nhận để cấp hộ chiếu vắc xin trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là 4.470.288 mũi tiêm mũi tiêm. Các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) với những người đã tiêm đủ mũi. Ngành y tế khuyến cáo những đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai cần chú trọng tiêm vắc xin để được phòng bệnh hiệu quả.

Cán bộ y tế hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh tay phòng bệnh

Theo báo cáo kết quả tiêm chủng mở rộng 4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh là 25,6%; tỷ lệ tiêm vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi là 28,0%; tỉ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng là  38,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 vắc xin VNNB cho trẻ 12 tháng tuổi đạt 30,6%; mũi 3 đạt 29,4%; tỉ lệ tiêm vắc xin uốn ván UV2+ cho phụ nữ có thai đạt 28,3%.

Trong tháng 5/2023, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch, giúp duy trì tình hình dịch bệnh ở mức ổn định. Sở Y tế đã thành lập 03 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện kiểm tra tại một số đơn vị công lập (bệnh viện Sản Nhi, TTYT huyện Tiên Du…) và các đơn vị bệnh viện, phòng khám tư nhân (Bệnh viện đa khoa Hồng Phúc, Kinh Bắc II, Ngã Tư Hồ, Nhân Đức…). Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị về công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung vào các dịch bệnh mùa hè. Kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm công tác phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị, địa phương. Tiếp tục đôn đốc việc triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo các đợt cấp vắc xin của Viện. Xây dựng và gửi dự trù nhu cầu vắc xin TCMR năm 2023, 2024 tỉnh Bắc Ninh. Kiểm tra giám sát công tác tiêm chủng vắc xin Viêm gan B sơ sinh, tiêm chủng mở rộng và công tác bảo quản vắc xin tại các điểm tiêm trên địa bàn.

Hiện tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn có những diễn biến khó lường. Hoạt động giao thương, du lịch tăng cao; thời tiết thay đổi bất thường,...tạo điều kiện bệnh truyền nhiễm lây lan. Bắc Ninh lại là tỉnh có di biến động dân cư lớn, đặc biệt là đối tượng nhập cảnh nên luôn tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới xâm nhập vào tỉnh và bùng phát. Vì vậy, ngành y tế sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin và chấp thuận tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với các đối tượng chưa tiêm đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tăng cường truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của tiêm chủng mở rộng đúng lịch, đủ liều để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em. Tổ chức rà soát để tiêm vét, tiêm bù các vắc xin tiêm chủng mở rộng cho các trẻ em nhỡ lịch, chậm lịch trên địa bàn toàn tỉnh ngay khi được cung ứng bổ sung vắc xin. Thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tiến độ tiêm chủng, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đúng kế hoạch đề ra của năm 2023.

Đặc biệt, các đơn vị y tế bám sát diễn biến, tình hình dịch bệnh COVID-19, Mác-bớc và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, chủ động phân tích, đánh giá và có các phương án, giải pháp phòng chống đáp ứng với mọi tình huống dịch. Tăng cường giám sát COVID-19 tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung, quy mô lớn để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gen. Chủ động giám sát phát hiện ca bệnh COVID-19, Mác-bớc, liên cầu lợn, bệnh do Adeno vi rút, sốt xuất huyết Dengue, cúm, tay chân miệng, sởi, viêm não Nhật Bản, cúm gia cầm lây sang người (H5N1, H7N9),… và các bệnh mới nổi như viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân, đậu mùa khỉ,… Điều tra, xác minh, triển khai xử lý kịp thời các ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và không để dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Sốt xuất huyết Dengue ngay từ đầu mùa dịch.

Khắc Thụy