Thống kê truy cập

Online : 3531
Đã truy cập : 151102080

Thống nhất mô hình CDC tuyến tỉnh

09/10/2017 08:26 Số lượt xem: 241

Theo Thông tư 26/2017/TT-BYT, mô hình tổ chức Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố (CDC) sẽ được triển khai đồng loạt trong cả nước trên cơ sở hợp nhất các trung tâm, đơn vị sự nghiệp y tế công lập có cùng chức năng quản lý về y tế dự phòng. Việc hợp nhất vừa phù hợp cách thức tổ chức như các nước trên thế giới vừa giúp kiện toàn hệ thống y tế địa phương theo hướng tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu quả hơn.

Theo TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), tại hầu hết các tỉnh, thành phố đều có nhiều đơn vị sự nghiệp cùng có chức năng quản lý về y tế dự phòng. Từ đó dẫn đến nhiều đầu mối trong việc thực hiện chuyên môn, nhiều cán bộ lãnh đạo và tăng chi phí, nhưng hiệu quả hoạt động lại chưa cao, trong khi mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi. Thống kê cho thấy trung bình một tỉnh, thành phố có khoảng sáu đơn vị hoạt động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, một số tỉnh lên tới chín, mười, thậm chí 12 đơn vị như: trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm dịch y tế, trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, trung tâm phòng, chống bệnh xã hội...

Nhằm thu gọn đầu mối cũng như để đáp ứng kịp thời những thay đổi về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, mô hình bệnh tật, cơ chế hoạt động, quản lý, đầu tư, tài chính… và hội nhập quốc tế, Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2017/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố CDC. Theo đó mỗi CDC có 12 khoa, phòng chuyên môn có chức năng triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám, phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác có liên quan.

Các chuyên gia lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh đánh giá, việc thành lập CDC tuyến tỉnh là bước đi cần thiết nhằm tinh giản bộ máy nhân sự cồng kềnh hiện nay; đồng thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Theo tính toán của Bộ Y tế, tính trung bình mỗi tỉnh hiện có sáu đơn vị, với sáu giám đốc và khoảng 18 phó giám đốc. Khi hợp nhất để tổ chức theo mô hình CDC thì chỉ còn một giám đốc và ba phó giám đốc, khi đó sẽ dôi ra năm giám đốc và khoảng 15 phó giám đốc; cả nước sẽ dôi ra khoảng 1.200 cán bộ lãnh đạo, chưa kể hàng nghìn cán bộ cấp trưởng, phó khoa, phòng và viên chức thuộc các bộ phận khác như hành chính, kế toán, lái xe... Hiện cả nước có 26 tỉnh, thành phố đã hợp nhất các trung tâm, đơn vị có chức năng phòng, chống dịch bệnh để hoạt động theo mô hình CDC. Trên thực tế, một số địa phương đã tiến hành hợp nhất trước khi có Thông tư 26/TT-BYT, cho nên có tên gọi khác nhau (như Hà Nội, sau khi hợp nhất vẫn giữ tên gọi là Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc hợp nhất như vậy sẽ tập trung cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị... giúp người dân được theo dõi sức khỏe bởi một đơn vị thống nhất. Sau hợp nhất sẽ dư thừa nhiều chức danh như: tổ chức, hành chính, kế toán..., do vậy sở y tế các tỉnh, thành phố cần xây dựng phương án nhân sự hợp lý, nhất là phải có đề án vị trí việc làm để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Theo TS Phạm Văn Tác, việc hợp nhất các đơn vị sẽ dẫn đến có người bị thôi chức giám đốc hay phó giám đốc, nhưng làm cho đội ngũ cán bộ chuyên môn tinh nhuệ hơn, người dân được chăm sóc sức khỏe hiệu quả và kịp thời hơn. Bộ Y tế cũng đề nghị địa phương chỉ giảm những người không làm công tác chuyên môn, không được tinh giản đội ngũ bác sĩ.

Tại hội nghị triển khai Thông tư 26/TT-BYT tại hai khu vực phía bắc và phía nam mới đây, đại diện lãnh đạo một số UBND tỉnh, thành phố cho rằng, việc hợp nhất đang khiến các địa phương lúng túng trong sắp xếp, bố trí nhân lực để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó khăn về cơ chế tài chính để đáp ứng việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phù hợp với mô hình tổ chức sau khi được kiện toàn... cho nên sẽ thận trọng, nghiêm túc và theo đúng lộ trình.

Việc kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị theo mô hình CDC được hoàn thành trước ngày 1-1-2021.

Trọng Tiến (st)
Nguồn: nhandan.com.vn