Thống kê truy cập

Online : 3964
Đã truy cập : 150785532

Tiếp tục tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue

24/07/2023 13:51 Số lượt xem: 340

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vừa có văn bản gửi Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Trong tháng 7/2023 số mắc sốt xuất huyết ghi nhận gia tăng trên địa bàn tỉnh với 63 ca (TP Từ Sơn 33, Lương Tài 11, Gia Bình 5, Yên Phong 5, TP Bắc Ninh 4, Tiên Du 3, TX Thuận Thành 1, TX Quế Võ 1) với 2 ổ dịch (Thành phố Từ Sơn, Lương Tài), cộng dồn số mắc từ đầu năm đến nay 84 ca, 02 ổ dịch. Hiện 02 ổ dịch đang hoạt động tại khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn (28 ca mắc) và thôn Ngọc Trì, xã Bình Định, huyện Lương Tài (07 ca mắc). Hai ổ dịch này đều chưa xác định được nguồn lây nhiễm và đang tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới. Nguy cơ dịch kéo dài, lan rộng là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Qua điều tra, giám sát cho thấy một số trường hợp mắc ghi nhận là ca mắc xâm nhập (làm ăn/học tập…tại vùng có dịch, khi mắc bệnh về quê điều trị), một số trường hợp mắc không rõ nguồn lây (nghi do nguồn nhiễm đã có tại địa phương). Muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes aegypti (tại Dương Lôi - Tân Hồng - Từ Sơn) Aedes albopictus (tại Ngọc Trì - Bình Định - Lương Tài).

Cán bộ y tế chỉ rõ nguy cơ muỗi đẻ trứng thành lăng quăng, bọ gậy từ ổ nước đọng trong các vật dụng cho người dân

Trước nguy cơ bùng phát bệnh dịch sốt xuất huyết, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc/nghi mắc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát, phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trong mùa dịch và hướng dẫn triển khai công tác giám sát và phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn tại Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền bệnh

Các đơn vị củng cố và tăng cường hệ thống giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại cộng đồng và cơ sở điều trị đảm bảo phát hiện sớm những ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu làm xét nghiệm và triển khai sớm các biện pháp phòng, chống. Tăng cường giám sát véc tơ, đặc biệt chú ý công tác giám sát tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao (mật độ dân số đông, vệ sinh môi trường và xử lý ổ bọ gậy không tốt, vùng dân cư di biến động đến từ vùng đang có dịch sốt xuất huyết...). Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương có ca bệnh/ổ dịch cần quản lý chặt chẽ bệnh nhân, tránh phát tán mầm bệnh, thực hiện tốt công tác điều trị, tránh diễn biến nặng và tử vong. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch như phát hiện và quản lý điều trị sớm các ca mắc, xử lý ổ bọ gậy nguồn, diệt muỗi trưởng thành...

Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cho nhân dân, nhất là sự nguy hiểm của bệnh, các biểu hiện khi mắc bệnh sốt xuất huyết, khi nghi mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị. Song song với đó, tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy chủ động phòng, chống dịch bệnh; gắn trách nhiệm của người dân, hộ gia đình vào công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo được thực hiện ngay từ hộ gia đình.

Nguyễn Oanh