Thống kê truy cập

Online : 3430
Đã truy cập : 151107582

Ứng dụng công nghệ thông tin tạo bước đột phá trong khám chữa bệnh

18/04/2018 08:24 Số lượt xem: 881

BVĐK tỉnh là bệnh viện hạng I quy mô 1000 giường bệnh và là tuyến khám chữa bệnh cao nhất của tỉnh. Trong những năm qua, bên cạnh việc tăng cường triển khai các kĩ thuật chuyên sâu giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ cao ngay tại tuyến tỉnh, bệnh viện còn không ngừng đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tạo ra những lợi ích vô cùng thiết thực cho công tác quản lí bệnh viện và đặc biệt là cho người bệnh.

Với bệnh nhân có thẻ BHYT, chỉ bằng 1 động tác quẹt thẻ, mọi thông tin của người bệnh đều được đồng bộ đầy đủ, chính xác, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi và sai sót khi phải nhập thông tin thủ công như trước đây

Khu vực đón tiếp bệnh nhân ban đầu của BVĐK tỉnh, thay vì cảnh người bệnh phải xếp hàng dài chờ đăng kí, lấy số khám thì hiện nay, mọi công tác tiếp đón, nhập thông tin và chỉ định phòng khám đều được thực hiện trên máy tính rất nhanh gọn. Với lượng bệnh nhân trên dưới 1000 người/ngày, đặc biệt với những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, chỉ bằng một động tác quẹt thẻ, hệ thống quét dữ liệu sẽ đồng bộ tất cả thông tin người bệnh, lịch sử khám bệnh, giúp cán bộ y tế không phải thủ công nhập thông tin bằng tay, hạn chế được tối đa việc sai sót trong quá trình nhập máy. Cũng nhờ sự đồng bộ thông tin mà thời gian tiếp đón mỗi bệnh nhân được giảm từ 1-2 phút xuống chỉ còn 3-4 giây – bà Hoàng Thị Kiều Khanh, cán bộ khoa khám bệnh, BVĐK tỉnh cho biết.

 Tại phòng khám bệnh, bệnh viện bố trí màn hình chờ hiển thị đầy đủ thứ tự, lượt khám để người bệnh tiện theo dõi

Sau khi đăng kí khám, người bệnh sẽ đến phòng khám bệnh theo thông tin đã được in rõ ràng, cụ thể trên phiếu khám bệnh. Trước mỗi cửa phòng khám đều có một màn hình chờ để người bệnh nhìn theo đó, biết mình xếp thứ tự bao nhiêu, lượt khám nào theo đúng trực quan như trên màn hình. Ông Đào Đức Phú – phường Tiền An, TP Bắc Ninh bị bệnh xương khớp, thường xuyên phải đến viện khám chia sẻ, đến bệnh viện bây giờ không những nhận được sự tiếp đón, chăm sóc chu đáo của cán bộ y tế, mà các thủ tục xuất, nhập viện, khám chữa bệnh đều được giải quyết nhanh chóng nên ông rất phấn khởi, thời gian chờ đợi giảm xuống chỉ còn ½ so với trước đây. Hơn nữa, mọi chỉ dẫn, thuốc thang đều được in rõ ràng trên giấy, để những người cao tuổi như ông cũng có thể đọc và thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ, giúp điều trị bệnh được hiệu quả.

Mã “code” gắn thông tin của người bệnh giúp cán bộ y tế khoa xét nghiệm khắc phục được việc ghi chép thông tin, kết quả trên nhiều đầu sổ sách như trước đây

Về hạ tầng phục vụ công nghệ thông tin, bệnh viện đã trang bị 2 máy chủ, 310 máy trạm và 230 máy in phủ khắp các khoa, phòng. Hệ thống mạng cáp quang đấu nối giữa các toàn nhà trong bệnh viện đã đảm bảo sự thông suốt trong quá trình khám và điều trị; bệnh viện cũng có hệ thống chia rải mạng và tăng băng thông đường truyền internet, đảm bảo liên thông dữ liệu với bảo hiểm y tế. Riêng mảng phần mềm, bệnh viện triển khai phần mềm quản lí bệnh viện từ năm 2011 bao gồm 12 module để đảm bảo tất cả các quy trình của bệnh viện được khép kín từ khâu tiếp đón, khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, quản lí xét nghiệm, quản lí nội trú, quản lí tài chính, dược, vật tư… Lí giải thêm về vấn đề này, kĩ sư Nguyễn Duy Phương – Phó Trưởng phòng công nghệ thông tin của bệnh viện cho biết, nhờ quản lí trên hệ thống phần mềm nên chỉ cần quét thông tin 1 lần từ phòng tiếp đón, tất cả dữ liệu đó sẽ được đồng bộ, ánh xạ đến tất cả các khoa, phòng của bệnh viện; giúp ích rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian, đảm bảo độ chính xác của thông tin và tạo sự liên kết giữa các khoa, phòng, phục vụ công tác chuyên môn.

Sau khi dán mã code, mọi thông tin về chỉ định xét nghiệm, kết quả xét nghiệm đều được đồng bộ thông qua việc quẹt mã code trên hệ thống phần mềm như thế này

Đơn cử như trong việc thực hiện các chỉ định cận lâm sàng – khâu chiếm phần lớn thời gian của người dân khi đến viện. Nếu như trước đây, một bệnh nhân có 5 chỉ định xét nghiệm thì cán bộ y tế sẽ phải ghi chép thông tin trên 5 loại sổ sách từ khâu tiếp nhận đến khâu lưu kết quả. Nhưng nay, nhờ thực hiện trên hệ thống phần mềm, tất cả các chỉ định đều được thực hiện chỉ bằng một mã “code” gắn theo thông tin người bệnh. Điều này không chỉ giúp hạn chế tối đa tình trạng sổ sách theo dõi, nhân lực thực hiện mà còn đảm bảo độ chính xác, độ tin cậy, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng, hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho người bệnh – bác sĩ Lê Tiến Đại - Trưởng khoa Xét nghiệm trung tâm cho biết.

Nhờ phần mềm quản lí bệnh viện liên thông dữ liệu tất cả các khoa, phòng mà ngay khi có kết quả cận lâm sàng, người bệnh có thể chưa được cầm kết quả trên tay nhưng các bác sĩ đã truy cập và biết được kết quả trước

Cũng chia sẻ thêm về những tiện ích mà việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, bác sĩ Lê Minh Tuấn – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, ngay khi có kết quả thì bệnh nhân có thể chưa được cầm trên tay nhưng các bác sĩ ở các khoa, phòng khác của bệnh viện đã có vì dữ liệu được đồng bộ trên hệ thống phần mềm, các bác sĩ có thể truy cập ngay khi vừa có kết quả cận lâm sàng, vì thế người bệnh có thể lấy kết quả tại khu vực làm cận lâm sàng hoặc in kết quả tại phòng khám. Đặc biệt, trong trường hợp nếu người bệnh có vấn đề gì hoặc cần hội chẩn gấp thì các bác sĩ có thể trao đổi trực tiếp, đây cũng là một trong những yếu tố giúp người bệnh được giải quyết nhanh chóng.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các y, bác sĩ cũng có nhiều thời gian hơn để tiếp xúc, hướng dẫn và chăm sóc bệnh nhân, giúp tăng cường sự hài lòng từ phía người bệnh

Hệ thống công nghệ thông tin được BVĐK tỉnh bắt đầu hoàn thiện từ năm 2011, qua mỗi năm đều được cập nhật thêm các thông tin. Đến nay, có thể nói phần mềm quản lí của bệnh viện đã đáp ứng được các nhu cầu, đặc biệt là việc liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Những thông tin lưu trên hệ thống phần mềm cũng có thể chiết suất để cung cấp cho các y, bác sĩ số liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ việc báo cáo thống kê, phân tích số liệu trong công tác chuyên môn. Ngoài ra, trong việc quản lí xuất, nhập, tồn kho, vật tư tiêu hao…kể cả lĩnh vực can thiệp kĩ thuật cao trên phần mềm đều được đảm bảo thực hiện.

Bác sĩ Hạ Bá Chân – Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, để đáp ứng chỉ đạo chung của Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin 4.0, trong thời gian tới bệnh viện sẽ đầu tư thêm về phần cứng đối với các máy chủ và hệ thống máy trạm, nâng cấp phần mềm lên phiên bản mới để đảm bảo vấn đề lưu trữ, liên thông dữ liệu cũng như quản lí bệnh viện. Song hành với đó, bệnh viện cũng có kế hoạch đào tạo, trau dồi kiến thức và trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin cho các y, bác sĩ, nâng cao khả năng sử dụng các ứng dụng tin học văn phòng cơ bản như word, excel để đảm bảo kế hoạch triển khai bệnh án điện tử.

Theo kế hoạch, chậm nhất đến năm 2020 BVĐK tỉnh sẽ triển khai bệnh án điện tử trong toàn bệnh viện, vì vậy những ứng dụng của công nghệ thông tin  đang được bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh. Tin rằng với những kinh nghiệm của BVĐK tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin là cơ sở giúp cho các đơn vị khác học tập, triển khai rộng rãi trong toàn ngành trong thời gian tới./.

Minh Cường