Thống kê truy cập

Online : 3875
Đã truy cập : 150769507

Vai trò quan trọng, không thể thay thế của lực lượng y tế tuyến xã

25/02/2023 09:04 Số lượt xem: 354

Kể từ cuối tháng 1-2020 - khi ca COVID-19 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam, đến nay, cả hệ thống chính trị và toàn ngành Y tế Bắc Ninh đã trải qua tròn 3 năm chống dịch. Nhìn lại chặng dài đó, thấy rõ vai trò quan trọng, không thể thay thế của lực lượng y tế cơ sở trong các hoạt động y tế dự phòng.

Trong 3 năm qua, dịch COVID-19 trải qua nhiều đợt sóng khác nhau, song dù ở giai đoạn nào với phương thức ứng phó nào, hệ thống y tế cơ sở cũng khẳng định vai trò tuyến đầu, trực tiếp tham gia chống dịch. Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch, ngành Y tế luôn xác định 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn là những “mắt xích” quan trọng trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Trên thực tế, khi chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, có ngày vượt mốc 10.000 ca đã khiến hệ thống y tế cơ sở quá tải, các trạm y tế với nhiệm vụ quản lý F0 tại nhà, nơi lưu trú, khối lượng công việc của nhân viên y tế càng thêm bề bộn. Vì vậy, đã có ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 là một phép thử về khả năng chịu áp lực của y tế cơ sở.

Nhìn lại toàn diện hoạt động của tuyến y tế cơ sở nhiều năm qua, có thể thấy những bước đổi mới đáng kể. Vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 mang lại, trạm Y tế các xã, phường, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, quản lý các bệnh lây nhiễm. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố, hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động: 100% xã, phường duy trì đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; triển khai hiệu quả quản lý sức khỏe người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử và điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế…

Đến tháng 12-2022, toàn tỉnh có 904 nhân viên y tế làm việc tại 126 trạm y tế, trong đó có 155 bác sĩ (132 bác sĩ trong biên chế, 23 bác sĩ luân phiên), tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ trong định biên làm việc 90%; 125/126 trạm y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT.

Hết lấy mẫu xét nghiệm, lại đến tiêm vắc-xin phòng COVID-19, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác, nhân viên trạm y tế tuyến xã chịu nhiều áp lực trong 3 năm vừa qua.

Hiện, 61/126 trạm y tế đạt tỷ lệ thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; có 46/126 trạm đạt từ 50% đến dưới 80% danh mục; cả 126/126 trạm y tế triển khai danh mục kỹ thuật theo Thông tư 21/2019/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình…

Có thể thấy, tất cả các đầu việc của ngành Y tế như: Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh; khám bệnh chữa bệnh; y, dược cổ truyền; dân số; các chương trình mục tiêu y tế - dân số; lập hồ sơ theo dõi và quản lý sức khỏe người dân, quản lý hành nghề ngoài công lập,… đều được triển khai tại các trạm y tế. Qua đại dịch COVID-19, khả năng thích ứng của y tế tuyến xã được ghi nhận, song cũng từ trong đại dịch COVID-19, những lỗ hổng của hệ thống y tế cơ sở cũng dần bộc lộ.

Chất lượng hoạt động y tế tuyến xã đã từng bước được nâng lên song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân ngày càng cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vấn đề nhân lực y tế. Tình trạng thiếu nhân viên y tế tại các trạm y tế khá phổ biến và việc tuyển dụng bác sĩ cho y tế tuyến này hiện là bài toán chưa tìm được lời giải. Đơn cử như tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh, trong đợt tuyển dụng năm 2021-2022, không có hồ sơ ứng tuyển nào nộp vào vị trí Điều dưỡng, trong khi chỉ tiêu tuyển của Trung tâm Y tế thành phố là 14 người, bao gồm 6 chỉ tiêu điều dưỡng, còn lại là bác sĩ Đa khoa và bác sĩ Y học cổ truyền. Chỉ có 1 bác sĩ Y học cổ truyền tham gia thi tuyển và trúng tuyển nhưng không đến nhận việc với phản hồi đã đi làm nơi khác có thu nhập tốt hơn.

Một số trạm y tế xã chưa đủ cơ cấu cán bộ làm việc thường xuyên nên khó khăn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phát triển các kỹ thuật mới. Trạm y tế cấp xã không thu hút được bác sỹ về công tác, do đó một số nơi phải sử dụng y sỹ trong công tác khám, chữa bệnh…

Còn nhớ lời động viên của thủ tướng nhân cuộc gặp mặt, biểu dương lực lượng y tế tại tuyến đầu: “Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Công việc còn nhiều, các chính sách với lực lượng chống dịch đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh, do thời gian vừa qua, chúng ta tập trung chống dịch cho nên việc hoàn thiện chính sách còn khiếm khuyết và có phần chậm trễ. Tinh thần của gặp mặt là chia sẻ khó khăn, đoán định những khó khăn sắp tới sẽ vượt qua thế nào”.

Thời gian vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước. Chúng tôi, những người chiến sĩ mang 2 màu áo đã không quản ngại hiểm nguy, lên đường đi thẳng vào tâm dịch, với ý chí sắt đá, một lòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao phó, được nhân dân tin tưởng. Thậm chí có những đồng chí vừa hoàn thành cách ly sau khi tham gia chống dịch tại Bắc Giang đã xung phong đi chống dịch tại miền Nam. Chúng tôi ý thức rằng việc tiến ra tuyến đấu chống dịch là trách nhiệm, là vinh quang lớn lao đối với bất kì người chiến sĩ nào; là thực hiện, khẳng định lời thề danh dự của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng: “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến”.

Nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế xã là một trong những nội dung của Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2019-2025” được UBND tỉnh ban hành năm 2019. Trong đó, Đề án đề ra các mục tiêu với y tế xã như: Phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cả về số và chất lượng; 100% trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 95% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 95% trạm y tế triển khai dịch vụ dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã; phấn đấu 100% dân số thường trú trên địa bàn được quản lý, theo dõi sức khỏe trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử,…

Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2020 - 2025” cũng đang tiếp tục được triển khai thực hiện, song 3 năm qua, việc phải dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động của y tế tuyến xã. Hậu COVID-19, cùng với sự hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các cấp, ngành y tế tuyến xã cũng cần linh hoạt triển khai các các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động theo đặc điểm thực tế từng địa phương.

Nguyễn Soan