Thống kê truy cập

Online : 4356
Đã truy cập : 150779543

Y tế cơ sở nỗ lực thích nghi với quá tải khi quản lý, điều trị F0 tại nhà

15/03/2022 08:25 Số lượt xem: 403

Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, có ngày vượt mốc 10.000 ca đã khiến hệ thống y tế cơ sở quá tải. Dự báo trước tình hình, để giảm bớt áp lực và chia sẻ gánh nặng cho các trạm y tế, từ tháng 1-2022, Sở Y tế đã cử các đoàn công tác biệt phái hỗ trợ một số trạm y tế trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du. Vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đội ngũ nhân viên y tế vừa từng bước thích nghi với sự quá tải này.

Chị Nguyễn Thị Minh Hải nhập dữ liệu F0 lên phần mềm hệ thống.

Sáng 9-3, tại Trạm Y tế phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh), mỗi người một vị trí, các y bác sỹ, nhân viên y tế tập trung giải quyết phần việc được phân công. Vừa lướt tay trên bàn phím máy tính nhập thông tin các F0 mới trong ngày lên phần mềm hệ thống quản lý, chị Nguyễn Thị Minh Hải, nhân viên Trạm Y tế phường Thị Cầu cho biết từ giữa tháng 2, việc nhập dữ liệu này được giao về các trạm y tế nên nhân viên y tế cơ sở có thêm đầu việc phải hoàn thành. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Cường đang cập nhật thông tin để giải quyết chế độ cho các F0 để họ hoàn thiện làm thủ tục hưởng BHXH. Phía ngoài, bác sỹ Đặng Thế Quỳnh đang tư vấn, hướng dẫn cho người dân việc điều trị F0 tại nhà… Hai nhân viên y tế khác hướng dẫn người dân khai thông tin sao cho đúng, đủ và tiếp nhận, phối hợp, hỗ trợ các đồng nghiệp.

Bác sỹ Ngô Duy Cường, Trạm trưởng cho biết: Địa bàn rộng với 8 khu, dân số đông hơn 14 nghìn người, nhưng đơn vị chỉ có 7 cán bộ, nhân viên y tế. Trạm được tỉnh tăng cường nhân lực nên giảm phần nào áp lực song khối lượng công việc vẫn rất nhiều. Từ đầu năm 2022 đến ngày 9-3, trên địa bàn phường Thị Cầu luỹ tích gần 2.400 ca mắc COVID-19, ngày cao nhất tại đây ghi nhận hơn 150 ca, vì vậy, thời gian qua, công việc tại trạm chủ yếu xoay quanh hoạt động chống dịch. Từ 25-12, Trạm Y tế phường Thị Cầu bắt đầu quản lý, theo dõi điều trị tại nhà. Từ đây, khối lượng công việc tăng lên gấp đôi do đầu việc nhiều lên, như: Thẩm định điều kiện cách ly tại nhà, phân loại F0, theo dõi sử dụng thuốc điều trị và những tác dụng phụ của thuốc kháng virus… Vì mỗi ca F0 được ghi nhận thường kèm theo nhiều F1 liên quan, nên công việc không có thời gian kết thúc. Những ngày cao điểm, cả trạm làm từ sáng sớm tinh mơ xuyên trưa, 1 giờ chiều mới được nghỉ, ăn cơm xong lại tiếp tục làm đến 22-23 giờ.
Nếu như trong giờ hành chính, người dân khai báo y tế tại trạm nhiều, thì ngoài giờ hành chính, số điện thoại Đường dây nóng của trạm nhận cuộc gọi không giới hạn giờ giấc. Để thuận lợi trong việc hướng dẫn, tư vấn cho F0 tại nhà, Trạm Y tế phường Thị Cầu lập nhóm Zalo thường xuyên duy trì khoảng 400-500 người, lúc cao điểm lên đến 700 thành viên…

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan, coi COVID-19 như bệnh cúm mùa vì đã được tiêm vắc-xin, không ít trường hợp là F0 nhưng không khai báo y tế, chỉ đến khi có biểu hiện khó thở mới liên hệ y tế địa phương để được hỗ trợ.

Là một trong số những viên chức được Sở Y tế biệt phái hỗ trợ công tác chống dịch tại Trạm Y tế phường Thị Cầu, bác sỹ Đặng Thế Quỳnh (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh) được Trạm trưởng phân công nhiệm vụ hỗ trợ điều trị tại nhà, tư vấn, hướng dẫn, phân loại, chuyển tuyến, theo dõi điều trị F0. Anh tâm sự “Những ngày ghi nhận nhiều F0, F1, có người phải viết Quyết định cách ly cả đêm. Từ bệnh viện “không bút” đã áp dụng bệnh án điện tử về tuyến xã, phường, rất nhiều khâu phải làm thủ công, rồi cũng qua đi những bỡ ngỡ ban đầu, tôi càng thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn, áp lực của đồng nghiệp tại đây. Từ trong khó khăn, vất vả mới thấy tinh thần đoàn kết của mọi người. Công việc được phân theo mảng, nhưng ai cũng biết làm những phần việc còn lại để hỗ trợ nhau khi cần”.
Cũng theo bác sỹ Quỳnh, số bệnh nhân nặng phải đến tận nhà để đánh giá tình trạng bệnh không nhiều, chỉ khoảng 4-5 trường hợp, nhưng việc không khai báo y tế, tự điều trị tại nhà theo kinh nghiệm của các F0 khác mà không được tư vấn, hướng dẫn có thể khiến diễn biến nặng hơn. Điển hình là trường hợp một F0 là thiếu niên 17 tuổi, sau thời gian điều trị tại nhà không chuyển biến, thấy có biểu hiện khó thở, thở rít, rên, gia đình mới liên hệ với y tế và ra trạm khai báo.

Số F0 điều trị tại nhà tăng cao, cơ quan chuyên môn quá tải là tình trạng chung của hầu hết các trạm y tế. Bên cạnh sự nỗ lực thích nghi của y tế cơ sở, việc biệt phái cán bộ, viên chức các đơn vị tuyến tỉnh hỗ trợ cho tuyến xã ở các “điểm nóng” là giải pháp tình thế hiệu quả và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Huệ