Thống kê truy cập

Online : 3768
Đã truy cập : 151108489

Bắc Ninh: Tăng cường triển khai hoạt động và đảm bảo chất lượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP)

26/07/2024 15:34 Số lượt xem: 29

Hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai từ năm 2020 do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ, tới nay đã mở rộng độ bao phủ với 03 cơ sở PrEP (02 Trung tâm y tế và 01 phòng khám của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). 

Theo kết quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) năm 2023 của tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ duy trì điều trị trên 03 tháng trong năm chỉ đạt 26%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu khách hàng dừng PrEP là do "Mất dấu" chiếm tới 98,4% (257 trường hợp), tiếp theo là do "Không còn nguy cơ" với 0,8% (02 trường hợp). do nguyên nhân khác như di chuyển nơi ở … là 02 khách hàng (chiếm 0,8%).

Theo BS Trần Văn Vinh, nguyên nhân không tuân thủ điều trị PrEP là do khách hàng còn thiếu kiến thức về PrEP nên chưa thấy được lợi ích của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Khách hàng điều trị PrEP phần lớn thuộc đối tượng trẻ, di biến động, làm công nhân tại các khu công nghiệp vào giờ hành chính, quan điểm PrEP chỉ là dự phòng (nên coi thường), dẫn đến bỏ trị, không sắp xếp được thời gian để đến tái khám đúng hẹn. Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử, tự kỳ thị vẫn còn, đặc biệt trong nhóm MSM, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV nói chung và PrEP nói riêng. 

BS Vinh cũng chia sẻ thêm:  Việc tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm của nhóm bỏ trị, đặc biệt là làm rõ các lý do cụ thể khiến họ dừng điều trị là vô cùng quan trọng. Chỉ khi hiểu rõ nguyên nhân mới có thể đưa ra những can thiệp phù hợp và hiệu quả.

Đối với nhóm khách hàng dừng PrEP do "Không còn nguy cơ", cần đánh giá kỹ lưỡng hơn lý do này, tránh tình trạng khách hàng chủ quan và bỏ lỡ cơ hội dự phòng. Nhóm "Mất dấu" cũng cần được quan tâm đặc biệt vì nguy cơ bỏ dở điều trị. Các biện pháp tích cực tìm kiếm, hỗ trợ để đưa họ quay lại điều trị cần được triển khai quyết liệt hơn.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến một tỉ lệ không nhỏ khách hàng dừng PrEP do "Nguyên nhân khác". Việc tìm hiểu sâu hơn về các rào cản khiến họ từ bỏ điều trị như tác dụng phụ của thuốc, kỳ thị và phân biệt đối xử, khó khăn về kinh tế, thiếu sự hỗ trợ của gia đình và xã hội... sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chương trình can thiệp đa diện, toàn diện.

Năm 2024 theo Quyết định số 612/QĐ-BYT ngày 14/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, tỉnh Bắc Ninh được giao chỉ tiêu là điều trị PrEP cho 350 khách hàng. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh mới đạt 173 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP ít nhất 01 lần (chiếm 49% so với chỉ tiêu năm 2024). Dự án Quỹ toàn cầu chuyển sang giai đoạn 2024-2026 với các quy định mới về quản lý dự án do đó công tác phê duyệt kế hoạch và hướng dẫn quy chế tài chính ban hành muộn so với tiến độ hàng năm. Mặc dù TTKSBT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị triển khai PrEP lưu động nhằm tăng cường thu dung khách hàng tham gia điều trị. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2024 nhiều đồng đẳng viên nhóm MSM xin nghỉ việc nên chưa tuyển đủ được đồng đẳng viên do đó hạn chế trong việc tiếp cận, giới thiệu khách hàng mới tham gia điều trị PrEP. 

Nhằm đạt chỉ tiêu khách hàng sử dụng PrEP trong năm 2024 và đảm bảo tỷ lệ duy trì điều trị PrEP đạt ngưỡng chỉ tiêu quốc gia (75%), thực hiện sự chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế Bắc Ninh triển khai các nội dung tăng cường triển khai hoạt động và đảm bảo chất lượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cụ thể như sau:

Với các cơ sở thực hiện điều trị PrEP:  Căn cứ vào chỉ tiêu 350 khách hàng và kết quả đạt được tới tháng 3/2024, đơn vị đã tham mưu giao chỉ tiêu thực hiện theo từng tháng cụ thể (từ tháng 4 tới tháng 12/2024); định kỳ đôn đốc tiến độ triển khai điều trị PrEP để đạt được chỉ tiêu đề ra; phân công cụ thể từng nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tuyên truyền, kết nối và hỗ trợ khách hàng có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ điều trị PrEP đến 03 cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cải thiện môi trường thân thiện, đa dạng hóa trong cung cấp dịch vụ và kết nối các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tới khám và sử dụng dịch vụ.

Với các Trung tâm Y tế huyện/TX/TP – nơi quản lý các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng: cần giao chỉ tiêu cụ thể cho từng nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tiếp cận, kết nối và hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP của khách hàng; Định kỳ tổ chức, tham dự giao ban với các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu, hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tiếp cận, kết nối, hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP cho khách hàng.

Bùi Thị Ngoan
Nguồn: Khoa HIV/AIDS - CDC Bắc Ninh