Thống kê truy cập

Online : 3358
Đã truy cập : 150743675

Bắc Ninh xuất hiện ca bệnh liên cầu lợn tại TP Bắc Ninh

07/12/2023 14:21 Số lượt xem: 314

Ngày 06/12/2023, Sở Y tế nhận được báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về ổ dịch liên cầu lợn tại thành phố Bắc Ninh. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch liên cầu lợn.

Ca bệnh liên cầu lợn được ghi nhận là trường hợp bệnh nhân nữ, 54 tuổi trú tại phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh. Hàng ngày, bệnh nhân nấu ăn tại trường Mầm non Hoa Sen, phường Thị Cầu. Từ ngày 2/12, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, nôn. Đến ngày 03/12, xuất hiện thêm các triệu chứng sốt, co giật, đi ngoài, mất trí nhớ nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh khám. Sau đó, gia đình tự chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Đa khoa Vinmec Timecity Hai Bà Trưng nhập viện điều trị nội trú. Tại đây, bệnh nhân được lấy dịch não tủy xét nghiệm. Đến ngày 4/12 bệnh nhân có kết quả dương tính với liên cầu lợn.

Ngay sau khi nhận thông tin ca bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh đã triển khai điều tra dịch tễ ca bệnh. Trong vòng 14 ngày, bệnh nhân không đi đâu ra ngoài tỉnh, gia đình không nuôi, giết mổ gia súc. Bệnh nhân không ăn tiết canh, thực phẩm sống. Hàng ngày nấu ăn tại trường mầm non Hoa Sen, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, có tiếp xúc trực tiếp với thịt gia súc, gia cầm sống. Hiện tại tất cả những trường hợp làm cùng cũng như sống cùng bệnh nhân đều chưa có biểu hiện gì bất thường. Tính đến ngày 6/12, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt, đỡ mệt, không có ban.

Các cơ quan chuyên môn cũng triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch nơi có ca mắc liên cầu lợn (gia đình bệnh nhân tại phường Vệ An; trường mầm non Hoa Sen tại phường Thị Cầu thành phố Bắc Ninh). Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người trên địa bàn tỉnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời, tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y cùng cấp trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách. Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.

Nhận định nguy cơ bùng phát dịch liên cầu lợn trong thời gian tới là rất cao khi địa bàn đã ghi nhận ca mắc, các điều kiện thuận lợi như thời tiết, nhu cầu giao thương cũng như thói quen ăn uống của người dân… Vì vậy, ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện bệnh, báo cáo kịp thời để thực hiện điều tra, giám sát và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đảm bảo cung cấp kịp thời cho người dân biết được về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống. Song song với đó, tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan trong việc điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch. Thường xuyên đánh giá nguy cơ để kịp thời tham mưu các biện pháp phòng chống phù hợp và hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, bệnh dịch truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh lý nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị cứu chữa kịp thời. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp chăn nuôi, hay giết mổ, chế biến thịt lợn bệnh. Để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...

Phạm Côn