Thống kê truy cập

Online : 3391
Đã truy cập : 151075230

Hỏi đáp cùng bác sĩ: Phòng tránh bệnh cận thị học đường

23/11/2022 09:26 Số lượt xem: 296

Cận thị là tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Khi mắc cận thị, các em học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt. Một số biểu hiện thường thấy như nhìn bảng không rõ, học bài phải chép bài của bạn,… 5 bệnh về mắt thường gặp ở trẻ là cận thị, loạn thị, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, đau mắt đỏ thì cận thị là bệnh lí phổ biến nhất và tập trung chủ yếu ở thành thị. Mặt khác, tình trạng cận thị đang có dấu hiệu tăng dần theo từng năm. Đây là thực trạng rất đáng báo động. Làm thế nào để giảm tỉ lệ cận thị học đường và những biện pháp để phòng tránh bệnh cận thị học đường sẽ là nội dung được giải đáp trong bài phỏng vấn với sự tham gia của bác sĩ Lâm Thị Xuân – Khoa Mắt, BVĐK tỉnh.

Phóng viên: Xin chào bác sĩ, đầu tiên xin bác sĩ cho biết cận thị là gì và nguyên nhân gây ra bệnh này là do đâu?

Bác sĩ Lâm Thị Xuân: Cận thị là tật khúc xạ khiến mắt nhìn xa không rõ, do ánh sáng đi đến mắt hội tụ ở trước võng mạc (người bình thường ánh sáng sẽ hội tụ tại võng mạc). Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu dài hơn hoặc giác mạc/ thể thủy tinh cong vồng hơn bình thường. Hệ thống thị giác của con người được cấu tạo để thực hiện các chức năng nhìn xa là chủ yếu. Khi nhìn gần quá mức, mắt luôn phải điều tiết mệt mỏi và dẫn đến hiện tượng thích nghi với nhìn gần, gây gia tăng độ cận thị, làm suy giảm khả năng nhìn xa của mắt.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cận thị học đường là di truyền và lối sống. Về di truyền, một số nghiên cứu đã chứng minh có khoảng 24 gen liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị. Nhưng cận thị do di truyền không phổ biến, hiện nay cận thị ở trẻ em chủ yếu do liên quan đến lối sống. Trước hết là vấn đề lạm dụng công nghệ. Ngày nay, công nghệ đang dần trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cận thị học đường. Khi sử dụng các thiết bị điện tử, mắt luôn trong trạng thái điều tiết. Lâu ngày, thể thủy tinh không thể xẹp xuống như hình dạng ban đầu, dẫn đến tật cận thị. Ngoài ra, sử dụng thiết bị điện tử làm giảm tần số chớp mắt khiến mắt dễ bị khô. Thứ 2 là áp lực học hành lớn. Hiện nay, trẻ em đang phải dành quá nhiều thời gian cho việc học, ít tham gia các hoạt động ngoài trời. Điều này làm tăng thời gian nhìn gần, giảm thời gian nhìn xa khiến mắt luôn phải điều tiết, dễ dẫn đến cận thị. Thứ 3 nữa là có thể do tư thế ngồi học. Trẻ ngồi học không đúng tư thế, không đủ ánh sáng cũng là một trong số các nguyên nhân gây cận thị.

Bác sĩ Lâm Thị Xuân khám tật khúc xạ cho học sinh

Phóng viên: Vậy khi mắc cận thị, trẻ sẽ có những biểu hiện như thế nào và khi nào thì bố mẹ cần đưa con đi khám chuyên khoa mắt, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lâm Thị Xuân: Trẻ em lứa tuổi nhỏ thường không hiểu rõ cận thị là gì nên không nói với bố mẹ, đến khi đi khám mắt thì phát hiện trẻ đã cận nặng. Hay một số trẻ có tâm lý sợ hãi nếu bố mẹ biết mình mắc cận thị nên giấu bố mẹ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý, quan tâm đến các biểu hiện của con cái để kịp thời phát hiện cận thị.

Những biểu hiện của cận thị bao gồm:

- Nheo mắt hay nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa;

- Hay tiến lại gần khi xem tivi hoặc bảng;

- Đọc sách hay cúi mặt;

- Khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu hoặc phải chép bài của bạn;

- Chớp mắt, dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ;

- Thấy mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi học bài, đọc sách.

Khi con bạn có những biểu hiện sau hãy đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt để khám và điều trị thích hợp.

Phóng viên: Được biết, cận thị được chia theo mức độ. Có những trẻ cận nặng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Xin bác sĩ cho biết cụ thể về vấn đề này?

Bác sĩ Lâm Thị Xuân: Hiện nay cận thị được chia thành 3 loại:

- Cận thị nhẹ: dưới -3,00D

- Cận thị trung bình: từ -3,00D đến -6,00D

- Cận thị nặng: trên -6,00D.

Với cận thị nhẹ và trung bình gây giảm thị lực nhìn xa, làm hạn chế khả năng sinh hoạt, học tập nhưng hầu như ít có biến chứng tại mắt.

Với cận thị nặng, trẻ có thể gặp một số biến chứng sau: Trẻ em dưới 7 tuổi mới phát hiện có thể bị nhược thị. Dịch kính hóa lỏng hoặc bong dịch kính sau. Thoái hóa võng mạc chu biên. Glôcôm hoặc tân mạch võng mạc. Biến chứng nặng nề nhất là bong võng mạc, có nguy cơ gây mù.

Phóng viên: Cận thị làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập và sinh hoạt của trẻ. Vậy hiện nay, vấn đề điều trị cận thị được thực hiện ra sao, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lâm Thị Xuân: Phương pháp thông dụng, an toàn và ít tốn kém nhất để điều trị cận thị là đeo kính gọng. Tuy nhiên, kính gọng cũng có một số nhược điểm như: cảm giác vướng víu khi tham gia các hoạt động thể thao, nhìn hình ảnh không chân thật với trường hợp cận thị nặng, khó khăn khi đi trời mưa,… Hiện nay, ngoài kính gọng, những gia đình có điều kiện hơn cũng có thể cho trẻ đeo kính tiếp xúc (hay còn gọi là kính áp tròng). Ưu điểm của kính tiếp xúc là thẩm mỹ cao, tuy nhiên nhược điểm là có thể khiến mắt dễ bị khô, kích ứng, chi phí thay kính khi hết hạn sử dụng tương đối cao. Ngoài ra, nếu không đảm bảo vấn đề vệ sinh, kính tiếp xúc làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm tại mắt.

Một phương pháp hiện đại hơn nữa là sử dụng kính tiếp xúc đeo ban đêm Ortho-K. Đây là kính tiếp xúc chỉnh hình giác mạc đeo vào ban đêm, do đó ban ngày vẫn sinh hoạt, học tập bình thường mà không cần đeo kính. Bên cạnh đó, Ortho-K giúp hạn chế tiến triển của cận thị. Phương pháp này thường sử dụng cho trẻ em tăng độ cận nhanh hoặc những người cận thị nhưng không muốn phẫu thuật hay chưa đủ tuổi phẫu thuật (dưới 18 tuổi). Nhược điểm của kính này là chi phí khá cao, giảm hiệu quả với trường hợp cận thị nặng và khả năng bị viêm nhiễm mắt nếu vệ sinh không đúng cách.

Phương pháp hiện đại nhất hiện nay là phẫu thuật tật khúc xạ (LASIK, Femto, SMILE, Phakic, thay thể thủy tinh,…). Ưu điểm của việc phẫu thuật là hiệu quả đem lại tốt, mắt sáng rõ ngay sau khi phẫu thuật, thời gian phục hồi ngắn. Tuy nhiên giá cả phẫu thuật còn cao và nhiều người có tâm lý e ngại với việc động “dao kéo” ở mắt.

Phóng viên: Có thể thấy cận thị khiến trẻ gặp không ít bất tiện trong học tập, sinh hoạt, gây tốn kém cho gia đình. Vậy để chủ động chăm sóc và bảo vệ mắt, bác sĩ có lời khuyên gì cho các gia đình?

Bác sĩ Lâm Thị Xuân: Trước hết cần cho trẻ ngồi học đủ ánh sáng và đúng tư thế. Hạn chế thời gian nhìn gần không cần thiết như chơi game, xem tivi, chơi điện thoại, máy tính,... Tăng thời gian hoạt động ngoài trời để mắt được nhìn ra xa. Cần cho mắt có thời gian nghỉ ngơi từng lúc, kiểm soát việc chớp mắt, không nên để mắt làm việc quá 45 phút liên tục, nên để mắt có thời gian thư giãn bằng cách tập nhìn xa hoặc thể dục, vui chơi ở những nơi thoáng rộng. Trong quá trình học tập, cần cho trẻ đọc và viết đúng khoảng cách quy định, từ 25 – 40cm. Việc đọc hoặc viết quá gần sẽ làm hệ thống thị giác phải nỗ lực điều tiết, gia tăng độ cận thị. Ngoài ra, tư thế ngay ngắn lưng và cổ thẳng sẽ giúp phòng tránh mỏi mệt và gù vẹo cột sống. Tránh cho trẻ nằm khi đọc sách vì điều này gây ra hiện tượng mắt khó khăn khi quy tụ, điều tiết, dễ gây mỏi và nhức mắt. Không để trẻ đọc sách khi đi tàu xe vì khoảng cách đọc bị thay đổi liên tục khi rung lắc rất có hại cho mắt. Với việc cho trẻ xem tivi, chỉ nên cho trẻ xem khoảng 1 tiếng mỗi ngày. Nếu trẻ bị cận thị, phải cho trẻ đeo kính khi xem, tivi cũng cần cho trẻ xem ở khoảng cách xa và không tắt đèn khi xem.

Cha mẹ cần cho trẻ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng…trong rau củ, trái cây, thịt, cá biển, trứng..giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hóa võng mạc và hoàng điểm của mắt. Đặt  biệt, cần cho trẻ đi khám mắt định kì để có phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ và tư vấn cụ thể khi gặp những vấn đề về mắt.

Văn Toàn