Thống kê truy cập

Online : 2668
Đã truy cập : 151038280

Tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em theo quyết định 1575/QĐ-BYT

06/04/2023 14:15 Số lượt xem: 438

Ngày 27/3/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1575/QĐ-BYT về Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em thay thế Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14 tháng 6 năm 2019. Trên cơ sở đó, ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em theo quyết định 1575/QĐ-BYT cho đại diện 12 đơn vị y tế trong và ngoài công lập bao gồm: 8 TTYT huyện, thành phố; Bệnh viện Sản Nhi và 3 Bệnh viện tư nhân Hồng Phúc, Kinh Bắc II, Thiện Nhân.

Mục đích của việc chỉnh sửa hướng dẫn khám sàng lọc là tăng tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, đảm bảo an toàn tiêm chủng, tránh tạm hoãn tiêm không phù hợp, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đối với các trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính, cấp tính nhưng tình trạng sức khỏe ổn định.

Quyết định 1575 hướng dẫn thăm khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ trên 1 tháng và trẻ sơ sinh nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, trẻ tạm hoãn tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng và các trường hợp phải chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Quyết định hướng dẫn chi tiết đối với việc khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em tại cơ sở ngoài bệnh viện và tại bệnh viện.

Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khai mạc lớp tập huấn

Cụ thể, đối với khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ tại cơ sở ngoài bệnh viện, bao gồm khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên; khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi; một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài bệnh viện như trẻ em phơi nhiễm với HIV, trẻ em nhiễm HIV và các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng ở cơ sở ngoài bệnh viện cần chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.

Khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ tại bệnh viện được thực hiện đối với các trường hợp chuyển đến từ cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và các trẻ em đang điều trị tại bệnh viện như nhóm trẻ sơ sinh, trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ bệnh mạn tính, bệnh lý cấp tính trước khi ra viện.

Quyết định cũng có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện tốt công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em. Đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện bao gồm người thực hiện là bác sĩ, y sĩ trực tiếp thăm khám phải đạt yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018. Phương tiện, các bước thực hiện khám sàng lọc, ghi chép việc khám sàng lọc và lưu bảng kiểm, trường hợp gửi chuyển đối với trường hợp tạm hoãn cần đánh giá tình trạng sức khỏe tại cơ sở khám bệnh tuyến trên phải thực hiện theo quy định. Đối với cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện cũng có hướng dẫn cụ thể với người thực hiện khám sàng lọc, phương tiện thực hiện khám sàng lọc và khám chuyên khoa, các bước thực hiện khám sàng lọc, ghi chép việc khám sàng lọc, lưu hồ sơ, đánh giá tình trạng sức khỏe, tiêm chủng đối với các trường hợp gửi từ tuyến dưới và bệnh nhi trước khi ra viện.

Quyết định 1575 ban hành hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc trước tiêm chủng được áp dụng tại các cơ sở tiêm chủng trong và ngoài bệnh viện

Ngoài ra, Quyết định 1575 cũng kèm theo các phụ lục, bảng kiểm trước tiêm đối với từng đối tượng tại cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và cơ sở tiêm chủng thuộc bệnh viện.

Quyết định 1575 thay thế Quyết định 2470 với mục đích tăng tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

Quyết định 1575 có nội dung tương tự như Quyết định 2470, tuy nhiên sửa đổi, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp của hướng dẫn khám sàng lọc cũ của Quyết định 2470 như: chưa có hướng dẫn cụ thể với trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ phơi nhiễm/nhiễm HIV có suy giảm miễn dịch nặng…thời gian nào có thể tiêm chủng trở lại hoặc bỏ sót tiêm viêm gan B sơ sinh với nhiều trẻ đẻ non cân nặng thấp nhưng tình trạng sức khỏe ổn định… Quyết định 1575 hướng dẫn rõ với cơ sở ngoài bệnh viện, chống chỉ định tiêm chủng cho trẻ em có tiền sử phản vệ độ III trở lên, có thêm tiền sử lồng ruột, tạm hoãn trẻ trên 1 tháng tuổi có mức độ phản vệ là độ II, sốt >=38 độ, bổ sung thêm thời gian có thể tiêm được của các trường hợp tạm hoãn. Với khám sàng lọc trước tiêm trong bệnh viện, bổ sung thêm hướng dẫn về trường hợp trẻ > 1 tháng tuổi có tình trạng bệnh lí cấp cứu, trẻ suy giảm miễn dịch, bỏ quy định về tăng áp lực động mạch phổi, bỏ quy định về xét nghiệm bilirubin huyết thanh với trẻ bị vàng da sơ sinh. Quyết định 1575 cũng hướng dẫn thủ tục, giấy tờ cần có khi chueyẻn khám sàng lọc tại bệnh viện với các cơ sở ngoài bệnh viện và nhiều phụ lục liên quan làm rõ các bệnh lí của trẻ…

Ngoài được cập nhật các nội dung liên quan đến Quyết định 1575, các đại biểu tham gia tập huấn còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tăng cường quản lí dữ liệu, đăng kí tiêm chủng cho trẻ em trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (NIIS). Buổi tập huấn cũng bàn bạc, xây dựng phương án để triển khai đưa vắc xin Rota vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030.

Đáng chú ý, một số lưu ý khi khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ em phơi nhiễm HIV, trẻ nhiễm HIV đối với cơ sở ngoài bệnh viện bao gồm: cơ sở quản lý, điều trị HIV/AIDS cần phối hợp đưa ra các thông số cơ bản để cơ sở tiêm chủng sàng lọc và ra quyết định tiêm chủng cho trẻ; đối với các vắc xin không phải là vắc xin sống giảm động lực, chỉ định tiêm như trẻ bình thường. Ngoài ra, chống chỉ định vắc xin sống giảm động lực với trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV tương tự trẻ không nhiễm HIV.

Sau buổi tập huấn, đại diện các đơn vị nắm được kiến thức cập nhật về khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em trong tiêm chủng mở rộng sẽ áp dụng vào thực tiễn công việc và tiếp tục tổ chức tập huấn cho các cơ sở trực thuộc và cán bộ thuộc đơn vị.

Nguyễn Oanh